Bí đầu ra nhưng nhiều ngân hàng vẫn đẩy lãi suất huy động lên cao, phổ biến 13%/năm, cao hơn trước 1-2%.
10 ngày trước, ngân hàng đầu tiên dâng cao lãi suất huy động dài hạn là ACB. Tại nhà băng này, mức niêm yết đối với kỳ hạn từ 1 năm trở lên là 13%/năm, cao hơn 1-2% so với các đơn vị khác. Tương tự, một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm lên cao, vượt 12%/năm và phổ biến niêm yết tại 13%/năm.
Tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), ngoài lãi suất cao nhất là 13%/năm, khách hàng còn được quay số với giải thưởng lớn nhất 150 triệu đồng, nhỏ nhất 1 triệu đồng. Ngân hàng Bắc Á cũng mới nâng lãi suất năm từ 11,99% lên 13%/năm cách đây khoảng 1 tuần. Lý do được nhân viên tín dụng ngân hàng này cho biết, là cần đảm bảo thanh khoản dài hạn.
Riêng với tiền gửi kỳ hạn ngắn hơn 1 năm, một số nhà băng vẫn áp dụng cách thức cho rút trước hạn mà không phải chịu lãi không kỳ hạn. “Chiêu trò” được áp dụng của nhà băng khác là khách gửi ngắn hạn, sau đó cho khách vay cầm cố sổ tiết kiệm ngân hàng để được hưởng lãi suất dài hạn mà không phải chịu phạt.
|
Sau thời gian dài niêm yết lãi suất cao nhất chỉ 12%/năm, nhiều ngân hàng ồ ạt dâng lãi suất huy động lên 13%/năm. Ảnh: Lan Anh |
Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cho biết, dù không tăng trưởng được tín dụng, nhưng ngân hàng ông vẫn huy động lãi suất cao, vì muốn tạo ra thanh khoản dồi dào. Ông nói thêm, độ trễ của việc giảm lãi suất có thể kéo dài, vì vậy, khả năng tín dụng tăng vào những tháng cuối năm cũng có thể xảy ra. Các ngân hàng, trong đó có đơn vị ông, cần chuẩn bị trước.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia, động thái ngân hàng dâng cao lãi suất đột ngột không chỉ đơn giản như vậy. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, có 2 nhân tố khiến cho ngân hàng dâng cao lãi suất huy động. Thứ nhất là, trên thị trường vẫn có nhà băng thiếu thanh khoản, đặc biệt là dài hạn, nên phải đẩy huy động lên cao. Việc làm này cũng là một cách để hút được tiền gửi, trám vào lỗ hổng thanh khoản do các khoản cho vay có nợ xấu gây ra.
“Một số ngân hàng, tỷ lệ cho vay trên huy động rất lớn, thậm chí bị âm vào vốn chủ sở hữu trong khi tiền cho vay ra không quay trở lại, vì khách không trả được nợ. Nguồn vốn không được tạo ra, trong lúc ngân hàng vẫn phải hoạt động, thì chỉ còn cách đẩy lãi suất trong khả năng, mà hút tiền gửi”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Thứ hai, theo dự đoán của ông Hiếu, một số nhà băng tranh thủ dồn vốn để cho vay trên thị trường liên ngân hàng vì vẫn có đơn vị “đói” nhưng không thu hút được tiền gửi. Với những ngân hàng đói vốn, khó đi vay, đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao, theo chuyên gia này, cũng là cách để thu hút tiền gửi.
Một chuyên gia khác thì cho rằng, việc đẩy lãi suất huy động lên cao, có thể lý giải là do ngân hàng muốn có vốn để tối đa hóa lợi nhuận. Vị này cho biết, từ nay đến hết năm 2012 chỉ còn 3 tháng, trong khi từ đầu năm đến 7/9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ 1,82%, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nên lợi nhuận đặt ra theo kế hoạch trong đại hội cổ đông không thể dựa hoàn toàn vào hoạt động cho vay. Ông chia sẻ, một số nhà băng vẫn huy động vốn, sau đó dùng vốn này để thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư, dù hoạt động này đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. “Ủy thác đầu tư vẫn còn là một ẩn số, có thể đem lại khoản lợi nhuận lớn cho ngân hàng, song cũng gây ra thất thoát cho nền kinh tế”, ông bình luận.
Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại Hà Nội cho biết, các ngân hàng hiện nay không khó khăn về thanh khoản nhưng vẫn phải đẩy lãi suất huy động lên cao để dự phòng. "Nghịch lý bây giờ là ACB là nhà băng đi đầu trong việc tăng lãi suất chứ không phải là ngân hàng nhỏ. Khi ACB tăng thì các đơn vị khác cũng phải tăng để giữ và cuối cùng tạo ra làn sóng tăng dù nhu cầu huy động chưa có. Hiện tại, tâm trạng bất an là nguyên nhân quan trọng nhất khiến các ngân hàng phải giữ thanh khoản nhiều hơn cần thiết và đó là nguồn gốc của việc tăng lãi suất lên 13%/năm", vị này phân tích.