Báo Cáo Thường Niên Kinh Tế Việt Nam 2012: Đối Diện Thách Thức Tái Cơ Cấu, do VEPR Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế Đại Học Kinh Tế Hà Nội biên soạn, ra mắt hôm thứ Năm ở Hà Nội.
RFA
Siêu thị ở Hà Nội
Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề cấp bách được đặt ra cho năm 2012, gồm ba chương trình trọng điểm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công, vạch ra những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện các chương trình này.
Cuốn sách là nỗ lực của một nhóm chuyên gia, trong đó chủ biên mà cũng là tác giả là tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế Đại Học Kinh Tế Quốc Gia Hà Nội.
Đó là nội dung chính trong thông cáo báo chí của Công Ty Sách Thái Hà vào khi có buổi hội thảo về thách thức tái cơ cầu kinh tế ở Hà Nội hôm thứ Năm tuần này. Hai diễn giả chính là tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR, và tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Việt Nam.
Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Công Ty Sách Thái Hà, cho biết hội thảo diễn ra trong khuôn khổ một cuộc triển lãm sách quốc tế kéo dài từ thứ Hai đến thứ Sáu tuần này ở Hà Nội:
Gian hàng trái cây ở chợ Hoàng Hoa Thám TPHCM, ảnh chụp năm 2012. RFA photo.
“Từ thứ Hai đến thứ Sáu Bộ Thông Tin Và Truyền Thông tổ chức chương trình Hội Sách Quốc Tế Hà Nội tại trung tâm triển lãm Giãng Võ. Chương trình được Bộ Thông Tin Và Truyền Thông giao cho nhà xuất bản tổ chức, ban tổ chức ở đây chính là Thái Hà Books và các chuyên gia đã làm báo cáo này. Chúng tôi đăng ký chương trình với ban tổ chức. Cái này không phải do chính phủ hay nhà nước tổ chức mà do Thái Hà Books đứng ra tổ chức, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Thông Tin Truyền Thông.
Báo cáo thường niên mà ban tổ chức và các chuyên gia đánh giá toàn bộ nền kinh tế của một năm qua bằng bản tiếng Anh và bản tiếng Việt. Ngay cả quốc hội cũng dùng những thông tin này. Mục đích chính là công bố những con số nghiên cứu, công bố những tổng kết một cách khách quan. Chúng tôi được biết có 104 báo đài đăng ký đến dự, đưa tin và phỏng vấn cho chương trình đặc biệt này.”
Người tham gia góp ý xây dựng đề cương, góp phần chỉnh sửa cuốn sách Báo Cáo Kinh Tế Thường Niên 2012, là tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, thành viên Nhóm Tư Vấn Kinh Tế Vĩ Mô của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội. Bên cạnh đó, ông còn là thành viên Nhóm Tư Vấn Và Phản Biện của báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam từ 2009 đến nay:
“Quyển sách này cũng nói những khó khăn và nỗ lực của Việt Nam trong bình ổn kinh tế vĩ mô bắt đầu từ đầu năm 2011. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng lại nỗ lực làm một chuyện căn cơ hơn, là mong muốn cải tổ nền kinh tế của mình theo chiều hướng cho nó hiệu quả hơn. Chính vì vậy, cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam bắt đầu bắt tay vào việc tái cấu trúc.
Thế thì quyền sách này, bên cạnh mô tả chung về nền kinh tế, cũng nêu những thách thức, những vấn đề, Việt Nam cần lưu ý khi cần tái cấu trúc lại nền kinh tế của mình.”
Đầu tư
Một công trình xây dựng ở Hà Nội, ảnh chụp năm 2012. RFA photo.
Về những bất ổn kinh tế và hệ lụy mà Việt Nam phải đương đầu, được nêu ra trong báo cáo kinh tế thường niên 2012 đang nói ở đây, tiến sĩ Võ Trí Thành dẫn giải:
“Trong một chừng mục nhất định niềm tin của nhà đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng, cũng có những suy giảm nhất định.
Như tôi đã nói, từ 2011 thì Việt Nam tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô. Quyền sách ấy là nói hết năm 2011, còn buổi thảo luận sẽ kéo dài đến tình hình hiện nay.
Cho đến thời điểm tháng Chín này, có nhiều dấu hiệu kinh tế vĩ mô cải thiện hơn. Ví dụ giảm phát giảm khá là nhanh. Thứ hai, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế cải thiện lên rất nhiều. Chính vì vậy dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng rất nhanh, từ mức rất thấp thì bây giờ tăng nhanh trong tám tháng qua. Và như công bố cách đây vài ngày, dự trữ ngoại tệ Việt Nam hiện nay là khoảng 23 tỷ đô la. Đó là vài ví dụ cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô cũng có những cải thiện nhất định.”
Ngân hàng
Ngân hàng Quốc tế VIB tại Hà Nội. RFA photo
Về đồng tiền Việt Nam, những con số trong buổi thảo luận cho thấy từ đầu năm đến giờ đồng tiền Việt Nam không còn rơi vào vòng xoáy lạm phát mất giá như những năm trước. Tuy nhiên, ông khẳng định, sự ổn định này vẫn chưa thật sự là vững chắc, cũng đã có những cái gọi là lên xuống thất thường trong thị trường, rủi ro trong hệ thống tài chính và ngân hàng vẫn còn:
“Quá trình xử lý hệ thống tài chính ngân hàng, thí dụ vấn đề nợ xấu, thí dụ một số ngân hàng bị yếu kém, thí dụ bắt tay đẩy mạnh các tái cấu trúc khác như doanh nghiệp nhà nước rồi thì đầu tư công... vẫn còn chậm, chưa diễn ra được như mong muốn. Quá trình này cũng hết sức phức tạp.”
Doanh nghiệp
Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, may móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong
Những ảnh hưởng khác nữa không thể không nói tới là đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh:
“Một phần là do khó khăn ở bên ngoài, nhưng một phần nữa là do chính sách chặt chẽ để đảm bảo việc ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn rất nhiều.
Điều ấy thể hiện qua những chỉ số, ví dụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay chắc sẽ chậm lại đáng kể. Quí Một tăng được 4%, cả năm nay thì ước đoán tăng trưởng chỉ khoảng 5 đến 5,2 hoặc 5,3% thôi.”
nhưng một phần nữa là do chính sách chặt chẽ để đảm bảo việc ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn rất nhiều.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, mức tăng trưởng này đối với nền kinh tế mới nổi như Việt Nam rõ ràng khá là chậm, phản ảnh rất nhiều khó khăn trong lãnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, rồi những vấn đề như tồn kho, nợ xấu vân vân... Trong ngắn hạn Việt Nam vẫn đối diện những thách thức trước mắt, trong lúc phải tiếp tục bắt tay vào việc tái cấu trúc nền kinh tế:
“Quá trình hiện nay có cả những vấn đề trước mắt và những vấn đề dài hạn liên quan đến việc đổi mới và cách thức phát triển, mô hình phát triển cho nó hiệu quả hơn, công việc còn rất là nhiều.
Đây không phải lần đầu Việt Nam gặp khó khăn, với những nỗ lực với những chính sách đề ra, mặc dù phía trước và hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn,hy vọng Việt Nam có đủ khả năng để vượt qua những thách thức và khó khăn này.”
Dưới mắt chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành, đang là cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội và Saigon, báo cáo kinh tế thường niên, qua đó xoáy vào những khó khăn những thách thức, những trở ngại là một báo cáo nhiều phần trung thực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nó còn đòi hỏi ở người đọc người nghe sự hiểu biết và nắm bắt:
Công ty chứng khoán Đại Tây Dương- Hà Nội- RFA photo
“Vấn đề trung thực khó lắm. Thường người ta báo cáo thì thì thêm những cái này bớt những cái kia... để báo cáo của mình đẹp đẽ hơn, đấy là một nguy cơ. Nhưng nếu làm việc nghiêm túc, đưa những thông tin những số liệu chính xác thì những người phụ trách xây dựng kế hoạch hay những người quan sát từ ngoài và đánh giá mới có được tầm nhìn rõ để có những quyết định quan trọng.
Tôi nhớ khi xưa tôi đi học bên Pháp về nâng cao trình độ chuyên gia kinh tế, một hôm có ông bộ trưởng Bộ Thương Mại tới giảng bài, ông nói,nên thận trọng về vấn đề thống kê, rằng thống kê giống như cái bikini của phụ nữ, những thống kê tạo cho ta những ý tưởng, ca vous donne des idées, nhưng thật sự nó có thể che dấu những cái quan trọng nhất “mais ca cache l’essentiel”. Do có cần cẩn trọng và giám định những con số đó.”
VEPR Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Và Chính Sách ra đời năm 2008 với tiến sĩ Nguyễn Đức Thành là người sáng lập và giữ chức giám đốc, phụ trách soạn thảo báo cáo thường niên kinh tế hàng năm như báo cáo năm 2012 này.