Xu thế kinh tế vài năm tới còn khó khăn và cái cách mà Việt Nam cứu nền kinh tế trong khủng hoảng 2008-2009 không thể lặp lại được.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết như vậy về diễn biến kinh tế của Việt Nam đến cuối năm.
Không ít người lo ngại giảm lãi suất nhanh và mạnh là dấu hiệu nới lỏng tiền tệ. Bình luận của ông về vấn đề này thế nào?
- Thường thì dấu hiệu của lãi suất tương đồng với cung tiền. Nhưng ở Việt Nam từ xưa đến nay thì quan hệ giữa lãi suất và cung tiền không rõ ràng. Nhiều khi lãi suất tăng mà cung tiền vẫn tăng, và ngược lại. Rõ nhất là thời điểm hiện nay, lãi suất giảm mà cung tiền không tăng, tức là không có mối quan hệ tương đồng.
Đầu năm nay, lãi suất giảm nhanh ít nhất là về hình thức, lãi suất tiền gửi từ 14% giờ còn 9%/năm, nhưng cung tín dụng M2 không tăng. Tiền gửi kỳ hạn hay không kỳ hạn của doanh nghiệp và dân cư vẫn tăng khoảng 8% trong 8 tháng đầu năm, nhưng tín dụng không ra, chỉ tăng 1,03% tính đến giữa tháng 7, mà đó là đã tính cả trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ. Ngay tín dụng cho những lĩnh vực mà chính phủ muốn tăng cũng không mạnh. Tín dụng cho nông nghiệp tăng 3%, cho xuất khẩu trên 7%, nhưng tính tổng vẫn thấp. Nhìn tổng thể thì không tăng.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% cho những tháng cuối năm nay. Ông nhìn nhận thế nào?
- Ngân hàng Nhà nước đang muốn tín dụng tăng 8% cho mấy tháng còn lại, theo tôi là rất khó. Tôi hy vọng chỉ tăng được 5-6%. Nhưng nếu đến tháng 9 mà chưa tăng được, để dồn vào quí 4 thì lại là câu chuyện khác. Thời điểm tăng rất là quan trọng, và còn tính đến cho năm sau.
Cơ hội giảm lãi suất tiếp còn hay không?
- Từ nay đến cuối năm dư địa không còn nhiều. Lý do là có sự thận trọng của các nhà quản lý từ nay đến cuối năm. Sự bung ra của chính sách tài khoá và tiền tệ, dù chỉ theo kế hoạch, dồn dập vào mấy tháng cuối năm thì nền kinh tế thực không hấp thụ nổi. Mà có khi tiền đó lại được dùng vào mục đích khác.
Nhưng nhiều động thái cho thấy dấu hiệu nới lỏng cả tài khoá và tiền tệ?
- Tài khoá nới lỏng theo nghĩa là làm theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm chỉ giải ngân được 12.700 tỉ đồng/tháng, nay muốn đúng kế hoạch thì phải giải ngân 21.000-22.000 tỉ đồng/tháng trong nửa cuối năm. Còn về tiền tệ thì không hẳn là nới lỏng vì có tăng trưởng tín dụng được đâu.
Dù tăng chậm, tín dụng vẫn ở ngưỡng rất cao so với GDP rồi. Ông lý giải thế nào về tương quan tín dụng và suy giảm kinh tế hiện nay?
- Trong kinh tế người ta quan tâm đến cái cận biên, tín dụng vừa qua có sự thay đổi mạnh, từ tăng trưởng 30% năm 2010, xuống còn 12% năm 2011 và còn 1% đến nay. Tốc độ giảm như thế, cộng với cầu giảm, và tâm lý đề phòng nên dòng tiền quay chậm.
Xu thế kinh tế vài năm tới sẽ như thế nào?
- Còn khó khăn. Cái cách mà thế giới, hay Việt Nam cứu nền kinh tế trong khủng hoảng 2008-2009 không thể lặp lại được. Lúc đó bản chất là bơm tiền qua tài khoá và tiền tệ. Cách thức chơi hiện nay đã được nhận thức khác, phải bền vững hơn. Đây là bước ngoặt không chỉ cho Việt Nam, mà cả thế giới. Phải thay đổi cách thức tăng trưởng và phát triển. Khi chấp nhận như vậy phải chịu đau, và mất thời gian.
Tóm lại, mục tiêu ổn định vẫn phải chú trọng đặc biệt, hơn là bơm tiền ra nền kinh tế, dù là theo kế hoạch. Hơn nữa, ổn định là điều kiện đầu tiên để thay đổi cách thức làm ăn và cách thức đầu tư.
Còn về bình diện thế giới, đang có 4 mất cân đối đòi hỏi nhiều thời gian để xử lý. Đầu tiên là mất cân đối giữa kinh tế thực và kinh tế ảo khi bong bong bóng tài chính quá lớn. Thứ hai là giữa nền kinh tế thực và phát triển bền vững, môi trường. Thứ ba là mất cân đối Đông Tây theo nghĩa Mỹ luôn chịu thâm hụt, còn Đông Á thì thặng dư về kinh tế, thương mại, đầu tư. Và cuối cùng là mất cân đối nội tại như nợ công Châu Âu. Làm sao xử lý xong sớm bốn vấn đề này được.