Trong khi bình quân CPI cả nước tháng 11 chỉ tăng 0,47% so tháng trước thì mức giá tại Tây Bắc và Bắc Trung Bộ tăng 2,96% và 2,26%. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tại hai vùng này tăng khủng khiếp 54,99% và 39,04%.
Sáng 24/11, Tổng cục Thống kê công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 và 11 tháng 2012.
Theo đó, trong tháng này, CPI cả nước đã tăng 0,47% so tháng trước và tăng 7,08% so cùng kỳ tháng 11/2011. Tính so với thời điểm tháng 12/2011, CPI cả nước đã tăng 6,52%. Như vậy, kể cả khi tháng tới CPI tăng tới 1% thì lạm phát năm nay cũng chỉ vào khoảng 7-7,5% so mục tiêu đặt ra 8%.
Trong tháng, ghi nhận sự sụt giảm của giá hàng ăn và dịch ăn uống - đây là nhóm chiếm tỉ trọng cao nhất trong rổ tính giá CPI hàng tháng, khoảng 39-40%.
Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này giảm giá 0,08%, trong đó lương thực tăng nhẹ 0,05% và thực phẩm giảm 0,21%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,2%.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế độc lập, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong năm nay, kể cả thời điểm lễ tết thì giá lương thực thực phẩm cũng sẽ không tăng nhiều như mọi năm. Do xu hướng chủ đạo của năm nay là cắt giảm chi tiêu tiêu dùng nên sẽ không có yếu tố tăng giá từ cầu.
Bên cạnh đó, do nguồn cung lớn, bao gồm cả cung nội địa và cung nhập khẩu, hàng hóa phong phú với mức giá rẻ nên sẽ tạo áp lực hạ giá bán, đảm bảo được tính cạnh tranh.
Trong khi nhu cầu chữa bệnh cao thì người dân vẫn đang gánh chi phí thuốc thang và dịch vụ y tế đắt đỏ.
Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông cũng giảm nhẹ 0,01% về chỉ số giá. Tính từ đầu năm, nhóm này đã giảm 0,33% và giảm 0,42% so cùng kỳ 2011. Đây là nhóm thường xuyên có đà tăng giá thấp nhất trong 11 nhóm hàng thuộc rổ tính giá của cơ quan thống kê.
Tháng này, do đã vào giữa kỳ học nên áp lực tăng giá lên nhóm giáo dục không còn nhiều như 2 tháng trước. Chỉ số giá ở nhóm này tăng 0,13% so tháng 10 trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,11%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn dẫn đầu về mức tăng giá với mức tăng 5,16% so tháng 10, trong đó giá dịch vụ y tế tăng 6,66%. Tính so thời điểm tháng 12/2011, trong vòng 11 tháng, nhóm này đã tăng tới 45,03% về giá trong đó, dịch vụ y tế tăng 63,53%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%. Trong nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.
Việc giảm giá xăng dầu trước kỳ họp Quốc hội cũng đã hỗ trợ cho giá dịch vụ giao thông được ổn định, tăng nhẹ 0,03%. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối năm, với nhu cầu di chuyển nhiều, chi phí giao thông dự kiến sẽ còn tăng cao hơn và cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng nhằm tránh tình trạng bắt ép người tiêu dùng của các chủ phương tiện đường dài.
Các nhóm hàng khác như đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác tăng lần lượt 0,23%; 0,83%; 0,56%; 0,35% và 0,42%.
Không nằm trong rổ tính giá, hai chỉ số giá vàng và giá USD cùng hạ nhiệt trong tháng này với mức giảm lần lượt 1,98% và 0,21% so tháng 10.
Trong tháng này, chỉ số giá tiêu dùng tại các địa phương khá đồng đều. Mức tăng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM lần lượt 0,22% và 0,1%. CPI Thái Nguyên tháng này cũng chỉ tăng 0,11%, Hải Phòng tăng 0,21% và Thừa Thiên Huế tăng 0,12%.
Trong 8 vùng của cả nước, hầu hết mức tăng đều chỉ ở mức xấp xỉ 0,2% ngoại trừ vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ. Hai vùng này có mức tăng giá lần lượt là 2,96% và 2,26%. Chi phí đắt đỏ ở hai vùng này chủ yếu trội hơi tại nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Giá thuốc và dịch vụ y tế ở Tây Bắc tăng 54,99% so tháng 10 trong khi tại Bắc Trung Bộ tăng 39,04%. Trong đó, chi phí dịch vụ y tế ở Tây Bắc tăng 86,88% và ở Bắc Trung Bộ tăng 52,07%. Đây đều là những khu vực có nhiều bộ phận dân cư còn khó khăn, nhu cầu chữa bệnh cao trong khi cơ sở hạ tầng lại thiếu thốn.