Thị trường BĐS đã trì trệ và đóng băng trong suốt một năm qua. Trong thời gian đó, việc giải cứu BĐS đã được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngoài những nới lỏng của chính sách tiền tệ từ NHNN thì các giải pháp khác đến nay chỉ là kế hoạch và dự kiến. Dân kinh doanh BĐS này đếm ngóng chờ giải cứu chán nản cho rằng, việc giải cứu đến nay mới chỉ hô hào và hứa là chính.
Kéo từ 2012 sang 2013
Trong một buổi làm việc với các đơn vị ngành tài chính trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, ngành đang xây dựng giải pháp tài khóa góp phần phá băng thị trường BĐS trong năm 2013.
Theo đó, kịch bản và các phương án của gói giải pháp về tài khóa góp phần phá băng cho thị trường BĐS trong năm 2013 đang được Bộ Tài chính cân nhắc, tính toán, cũng như khẩn trương hoàn thiện trước khi công bố chi tiết.
Gói giải pháp sẽ tập trung vào việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Bên cạnh đó, để kích cầu thị trường, gói giải pháp tài khóa cũng sẽ nhắm đến việc hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở nhằm giúp thị trường BĐS từng bước phục hồi, giải quyết hàng tồn kho, giảm tỷ lệ nợ xấu, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ hàng hoá.
Trước đó một ngày, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hôm 7/12 cũng cho biết, trong năm tới Hà Nội sẽ có những giải pháp mạnh hơn để làm tan băng thị trường BĐS, kể cả nhà ở xã hội...
Giải pháp có thể là các chính sách hỗ trợ giúp người dân làm chủ căn hộ của mình, chính quyền cũng có thể mua lại nhà thương mại để biến thành nhà tái định cư hoặc cho công nhân viên chức thuê.
Trước đó, TP. HCM cũng đã khẳng định trong năm 2013 chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp BĐS tháo gỡ khó khăn bởi hiện.
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chính thức đề cập tới các biện pháp để giải cứu BĐS. Theo đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, nhà nước chia sẻ khó khăn, động viên, tháo gỡ vướng mắc… cho doanh nghiệp.
Theo đại diện của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất, nếu càng để tình trạng này kéo dài, càng tác động xấu đến nền kinh tế càng làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu cho nền kinh tế. Với sự quyết tâm rất cao cùng các giải pháp trên được tiến hành đồng bộ chắc chắn thị trường BĐS sẽ ấm lên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.
Cứu BĐS để gỡ nợ xấu
Theo đánh giá của rất nhiều chuyên gia, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là nợ xấu - cục máu đông cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Soi vào lịch sử nợ xấu của nhiều quốc gia trên thế giới, có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu khoảng 10% như hiện nay của Việt Nam chưa phải là quá bi đát nhưng việc nhanh chóng và quyết liệt giải quyết cục máu đông này là cần thiết hơn bao giờ hết, để tránh tình hình rơi vào thế mất kiểm soát.
Để giải quyết tình trạng này, cho đến nay, NHNN đã hoàn thành Đề án thành lập Công ty mua bán nợ VAMC và đang chờ kết luận cuối cùng.
Công ty mua bán nợ có quy mô khoảng 100 ngàn tỷ đồng này sẽ mua lại các khoản nợ xấu, ban đầu giúp làm đẹp hơn bảng tài chính của các ngân hàng, doanh nghiệp và qua đó khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, như đã nêu trên, gói giải pháp phá băng thị trường BĐS là cần thiết và nó sẽ góp phần đảm bảo sự thành công cho công cuộc giải quyết vấn đề nợ xấu.
Trên thực tế, đề xuất phá băng thị trường BĐS là hướng giải quyết có lẽ được nhiều người mong đợi, bởi thị trường BĐS hiện đang rất khó khăn và đang chôn vùi không biết bao nhiêu tiền của các doanh nghiệp, ngân hàng.
Nếu thị trường BĐS khởi sắc trở lại thì từ doanh nghiệp cho tới nhiều người dân sẽ vứt được gánh nặng nợ nần đang đè lên đầu lên cổ trong hơn một năm qua. Thị trường BĐS phục hồi trở lại, nhiều khoản nợ xấu sẽ được giải quyết. Các doanh nghiệp sẽ khỏe trở lại, bảng tài chính của các ngân hàng sẽ đẹp trở lại và tín dụng sẽ lại được bơm ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, có một số câu hỏi được đặt ra là NHNN đang tính cho ra đời VAMC thì có cần thêm các biện pháp giải cứu BĐS hay không? Giải cứu BĐS là biện pháp tình thế để làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, rồi sau đó sẽ ổn định thị trường BĐS sau? Và nếu như vậy, thì giải cứu ở mức độ như thế nào là hợp lý?
Dư luận hiện tại có không ít ý kiến cho rằng, việc giải cứu thị trường BĐS là không cần thiết nếu như Chính phủ đưa ra được một giải pháp tốt trong việc mua bán lại nợ xấu thông qua việc thành lập VAMC. VAMC mua lại nợ xấu có thể theo cơ chế thị trường, còn giải cứu BĐS theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp BĐS thì không hẳn như vậy.
Điều mà nhiều người lo ngại nằm ở chỗ, nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay một phần không nhỏ là có nguyên nhân từ việc dòng tiền được đầu tư không hiệu quả, tiền không vào những khu vực sản xuất có tính cạnh tranh cao, mà lại chảy nhiều vào thị trường BĐS, vào đầu tư tài chính, gây ra tình trạng bong bóng tài sản trong thời gian vừa qua.
Giải cứu thị trường BĐS có thể sẽ nhanh chóng giúp nền kinh tế khởi sắc trở lại nhưng có lẽ chỉ là giải pháp ở phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là dòng tiền đã không được sử dụng hiệu quả, tiền rót vào các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, vào các doanh nghiệp sân sau, vào các lĩnh vực, dự án không khả thi hoặc không thực tế phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp BĐS đã phát triển rất nhanh với lợi nhuận thu về đôi khi mang tính chất đột biến. Do vậy, nếu tập trung vào các giải pháp miễn thuế, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp ở một phương diện nào đó là đang dùng tiền của ngân sách, của người dân hỗ trợ cho những đối tượng mà nhiều người dân không mong muốn. Ngay cả việc hỗ trợ tín dụng để kích cầu BĐS (kể cả ở mảng BĐS thu nhập thấp, nhà xã hội) cũng gián tiếp giữ quả bong bóng tài sản nói chung chậm xì hơi.